Bạn lo lắng sẽ thất nghiệp trước dự báo 50% số công việc hiện hay có thể bị xóa sổ bởi robot? Hãy tập trung vào những lĩnh vực này bởi nó sẽ không thể thay thế, thậm chí còn thống trị tương lai!

Trí tuệ nhân tạo giúp doanh nghiệp kiếm được 290 tỷ USD và tiết kiệm 6,2 tỷ giờ làm/năm nhưng nhiều việc làm biến mất

Những công nghệ mới ra đời như AI, big data hay blockchain đang tạo ra những thay đổi trong cuộc sống của con người và thay đổi nền kinh tế. Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, doanh nghiệp có thể kiếm được 290 tỷ USD và tiết kiệm 6,2 tỷ giờ làm mỗi năm. Đồng thời, sự thay đổi của công nghệ cũng khiến cho cấu trúc ngành nghề, công việc của con buộc phải thay đổi.

Bạn lo lắng sẽ thất nghiệp trước dự báo 50% số công việc hiện hay có thể bị xóa sổ bởi robot? Hãy tập trung vào những lĩnh vực này bởi nó sẽ không thể thay thế, thậm chí còn thống trị tương lai! - Ảnh 1.

14% việc làm sẽ bị biến mất trong 15 đến 20 năm tới, 32% trong số đó có thể thay đổi hoàn toàn hoặc nói cách khác là sẽ được bố trí và định nghĩa lại.

Robot, trí thông minh nhân tạo và công nghệ ra đời đã giảm thiểu sức lao động của con người và thay thế con người trong những môi trường lao động khắc nghiệt. Tuy nhiên theo dự báo đầu năm 2019 của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, gần một nửa số công việc hiện nay có thể bị xóa sổ hoặc thay đổi hoàn toàn trong 2 thập kỷ tới do tự động hóa.

Cụ thể 14% việc làm sẽ biến mất trong 15 đến 20 năm tới, 32% trong số đó có thể thay đổi hoàn toàn hoặc nói cách khác là sẽ được bố trí và định nghĩa lại. Theo đó, những công việc dễ bị biến mất hoặc thay đổi là những công việc có tính thường xuyên, lặp lại và có thể dự đoán trước. Đó là những công việc như thu ngân, đầu bếp nhà hàng thức ăn nhanh, tiếp thị qua điện thoại và công nhân nhà máy.

Liệu con người có nguy cơ mất việc trước sự phát triển của công nghệ?

Trước sự bùng nổ và phát triển vượt bậc của công nghệ nhiều người cho rằng công nghệ đang dần thay thế con người và trở thành đối thủ đáng gờm khi nhiều ngành nghề trong tương lai sẽ biến mất.

TS Vũ Tuấn Anh – Trưởng dự án Cộng đồng khởi nghiệp Hoa sen Group cho rằng: “Nếu mọi người lao động đều học tập và tích lũy tri thức, kiến thức cùng với công nghệ thì công việc cũ sẽ mất đi nhưng những công việc mới sẽ ra đời và mở ra cơ hội cho mọi người”.

Theo báo cáo “Triển vọng vọng phát triển châu Á – Công nghệ ảnh hưởng như thế nào?” của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã phân tích các nền kinh tế châu Á giai đoạn 2005 và 2015 chỉ ra rằng, việc áp dụng robot và hệ thống kết nối khác đã kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế, tạo ra 134 triệu việc làm mới trong khi chỉ làm mất đi 101 triệu việc làm.

Công nghệ vẫn chưa thể làm mất đi công việc, kể cả những công việc đơn giản đến phức tạp như sản xuất dây chuyền trong các nhà máy. Báo cáo của ADB cũng cho biết, những loại công việc mới đã hình thành nhằm tiếp thu và điều hành công nghệ mới. Một phân tích chi tiết về nghề nghiệp ở Ấn Độ, Malaysia và Philippin cho thấy, 43 – 57% công việc mới đã xuất hiện trong 10 năm qua chỉ tính riêng trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông.

Như vậy, báo cáo của ADB cho thấy một quy luật, khi công nghệ phát triển, nhiều công việc cũ mất đi và đồng thời công việc mới cũng ra đời. Tuy nhiên, những công việc mới ra đời lại tạo ra thách thức và đòi hỏi con người có trình độ cao hơn.

Nhiều công việc không thể bị thay thế

Sự phát triển của công nghệ kiến nhiều công việc biến mất, nhiều công việc mới cũng ra đời, tuy nhiên có những công việc sẽ không bị thay thế. Trong đó, nhóm công việc được cho là an toàn là những công việc liên quan đến sáng tạo và khả năng dự đoán cao như nghiên cứu khoa học, tạo dựng mối quan hệ, bác sỹ, y tá, báo chí và nghệ sỹ.

Theo TS Vũ Tuấn Anh những nhóm công việc sẽ không bị thay thế là:

Nhóm công việc liên quan đến cảm xúc. Đây là một trong những nhóm công việc không thể mất đi dù cho công nghệ phát triển vượt bậc như thế nào.

Nhóm thứ 2 là những công việc liên quan đến sáng tạo. Bởi sáng tạo giúp cho con người vượt lên những thách thức và những giới hạn của quy luật.

Nhóm thứ 3 là những công việc liên quan đến kết nối. Công nghệ, máy móc dù phát triển đến đâu cũng không thể kết nối với nhau thành nhóm và có thể làm việc nhóm.

Những công việc, xu hướng mới ra đời

Với giai đoạn hiện nay, những nghề nghiệp như chuyên gia phân tích dữ liệu hay nhà phát triển ứng dụng hiện không còn là độc quyền của ngành công nghệ thông tin mà đã lan rộng ra khắp các lĩnh vực khác như tài chính, đầu tư, truyền thông tin tức và giải trí. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu đang có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2015-2020.

Theo báo cáo tại Hội nghị Diễn đàn Kinh thế giới, trong giai đoạn gần đây, ứng dụng của robot cải tiến và phương tiện tự hành đã được đưa vào thử nghiệm. Do đó, trong tương lai, ngành nghề nghiên cứu và cải tiến robot tự hành sẽ trở thành ngành nghề phát triển không ngừng. Đồng thời, khả năng sáng tạo của con người và sự phát triển của robot sẽ hoàn toàn làm mới bộ mặt của ngành này.

Ngành công nghệ sinh học cũng đang dần được định hình lại và phát triển một cách thần kỳ, thậm chí là có thể dự báo trước. Sự phát triển của công nghệ sinh học và đặc biệt là công nghệ nano sẽ có vai trò quan trọng trong sản xuất thực phẩm, có thể đánh bại những căn bệnh nan y, cải thiện đời sống sức khỏe và hệ thống y tế.

Gửi CV có ngay việc làm